Thành phố buồn, ngày 1 tháng 4 năm Cô Vít. Hôm nay là ngày đầu tiên “toàn xã hội cách ly” nên tôi cố gắng dạo một vòng Đà Lạt lúc sáng sớm, giữa trưa và chiều tối. Dù có chỉ thị của thủ tướng người dân chỉ ra đường khi thật cần thiết, nhưng […]
Thành phố buồn, ngày 1 tháng 4 năm Cô Vít.
Hôm nay là ngày đầu tiên “toàn xã hội cách ly” nên tôi cố gắng dạo một vòng Đà Lạt lúc sáng sớm, giữa trưa và chiều tối. Dù có chỉ thị của thủ tướng người dân chỉ ra đường khi thật cần thiết, nhưng theo cảm nhận riêng của tôi thì so với tuần trước nhịp sinh hoạt của người Đà Lạt cũng không thay đổi là mấy. Có lẽ mọi người ý thức được sự nguy hiểm của việc lây lan dịch bệnh nên đã chủ động hạn chế tối đa việc đi lại từ nhiều ngày trước khi có chỉ thị. Chợ búa thì hàng hóa ê hề, từ hàng khô cho đến hàng tươi sống không thiếu món gì, chỉ thiếu người mua mà thôi. Dạo ra hồ Xuân Hương thấy người Đà Lạt vẫn đi tập thể dục như mọi ngày, có khác chăng là ai cũng đeo khẩu trang.
Chứng kiến những gì diễn ra đã giải tỏa mọi lo lắng của tôi về một cuộc sống lạ lẫm khi toàn xã hội cách ly mà tôi đã hình dung, tôi tưởng tượng rằng nó giống như lệnh giới nghiêm trước 75 vậy. Thật là lo xa quá xá đi mất !
Ngày xưa Đà Lạt được mệnh danh là “thành phố buồn” khi mà “người lưa thưa chìm dưới sương mù” nên dạo này sự thông thoáng của phố phường do ảnh hưởng của dịch, đã có nhiều người cho rằng điều đó giúp Đà Lạt quay lại đúng chất của mình.
Nhưng tôi lại không nghĩ vậy, một sự so sánh rất khập khiễng. Thời gian này tôi đã đi ra ngoài nhiều, đứng ngắm nhìn và cảm nhận bằng ký ức của một một người sinh ra và lớn lên nơi đây, tôi thấy rằng dù người có lưa thưa thật nhưng ở họ thiếu hẳn đi cái sự bình thản, nhẹ nhàng vốn có của người Đà Lạt mà thay vào đó là sự lo âu, vội vã. Mọi người giao tiếp với nhau mức độ, không phải họ giữ phép xã giao lịch sự mà là họ đang sợ. Và điều quan trọng nhất là không khí ảm đạm đang bao trùm che phủ đi cái sự đẹp đẽ, lãng mạn của “thành phố buồn”. Thú thật nếu Đà Lạt mà cứ kéo dài tình trạng này thì tôi thà chịu sự đông đúc chật chội, kẹt xe còn hơn, vì cái hồn cái thần của quê tôi đã đi đâu mất rồi.
Tháng tư thời tiết Đà Lạt nóng và khó chịu nhất trong năm, trưa nay nhiệt độ lên tới 30 độ, đi dạo vào lúc này thì chẳng khác nào một gã khùng nhưng tôi thích sự trãi nghiệm, bởi cả đời mới có cơ hội một lần. Mồ hôi nhễ nhại, tôi lê từng bước chân khắp khu trung tâm. Đứng từ rạp Hòa Bình nhìn xuống dốc Lê Đại Hành thấy một vài chiếc xe máy thỉnh thoảng vút qua, để lại sự im lặng thật đáng sợ. Hàng quán hầu hết đều đã đóng cửa, thoạt nhìn giống y như ngày mồng 1 tết. Cầu thang dẫn vào chợ không ai đi lại, chỉ có một chị hàng rong đang ngồi nhấn nhá bữa trưa đạm bạc, thấy tôi cũng chẳng buồn mời chào.
Quay lại bến xe Tùng Nghĩa, khu vực ngày thường luôn tấp nập người xe thì hôm nay chùa bà đanh phải kêu bằng cụ. Bãi gửi xe vào chợ tôi đếm lèo tèo chưa đến chục chiếc xe máy, người giữ xe mệt mỏi ngồi ngáp ngắn ngáp dài. Tôi đi vào chợ thì thấy một số hàng vải, hàng quần áo vẫn còn mở nhưng chắc chỉ “bán lấy ngày” cho vui chứ chẳng có ma nào mua. Xuống chợ dưới thì gặp mấy chị hàng bông đang ngồi tám chuyện covid19 cho hết ngày, hết giờ. Điều tích cực dễ nhận thấy nhất ở khu bùng binh chợ là sự sạch sẽ lạ thường, không hề có một cọng rác dưới đường. Qua mùa dịch mà giữ gìn được như vậy thì hay biết bao nhiêu. Cầu thang Mô đẹc nhìn y chang bức ảnh chụp ảnh chụp năm 1960 khi mà chợ vừa xây xong, vừa thoáng, vừa đẹp.
Loay hoay chụp ảnh chán chê định ra về thì tôi nhìn thấy một người phụ nữ lớn tuổi đội nón lá, tay cầm mấy cái giỏ đi từ hướng cầu ông Đạo vào. Vì đường vắng không ai đi bộ nên làm tôi chú ý. Bà đi về hướng tôi không nói gì và ngồi xuống trước một hàng bán đồ đặc sản. Tôi buộc miệng hỏi:
– Hôm nay có bán được cái nào không bà?
– Đi từ sáng giờ chẳng ai mua.
– Vậy lấy tiền đâu mà ăn?
– Sáng giờ bà chưa ăn cái gì cả.
Nhìn đồng hồ đã 12h50. Tôi thấy thương cho bà quá! Biếu bà chút tiền để ăn trưa, bà tâm sự:
– Bà muốn về quê ngoài Hà Tĩnh lắm! Nhưng bữa giờ xe không chạy nên phải ở lại. Chợ vắng quá biết bán cho ai đây.
Đáp lễ bà cố nài tôi lấy 1 cái giỏ nhưng tôi từ chối. Bà chào và tiếp tục lê bước vào hướng chợ vắng tanh. Biết là rất mong manh nhưng tôi vẫn hy vọng có ai đó sẽ mua giỏ cho bà, để bà có thể cầm cự qua mùa dịch. Chắc là còn, còn rất nhiều hoàn cảnh tương tự như bà ở “thành phố buồn” này. Tâm trạng tôi khi đó bị chùng xuống một cách dữ dội, tôi đóng máy ra về với bao suy nghĩ miên man.
Buổi chiều, chạy bộ một vòng bờ hồ tôi nhận thấy số người đi tập thể dục giảm đi một nửa so với hôm qua. Có hai xe cảnh sát đi tuần quanh hồ. Không biết họ thực hiện nhiệm vụ gì, nhưng lo là sẽ bị phạt nên tôi phải cố đeo khẩu trang để chạy bộ đến nỗi cái khẩu trang ướt đẫm cả mồ hôi. Về ngang khu Hòa Bình thấy cảnh tượng cũng không có gì mới, vắng y như cả tuần nay.
Bài hát hay thì phải có nốt thăng nốt trầm, bức tranh đẹp thì phải có độ tương phản của hai vùng sáng tối, cuộc đời con người dù là ai thì cũng phải có lúc vui, lúc buồn và chính trong cái sự đau khổ mới giúp cho mình thấy được giá trị của những ngày hạnh phúc. Thiên tai dịch họa là những điều mà con người sợ nhất nhưng cũng không thể nào tránh được, hãy bình tĩnh đón nhận và tìm cách vượt qua, chắc rằng “Qua cơn bĩ cực sẽ đến hồi thái lai” mà thôi. Vấn đề là có nhiều người sợ sẽ không qua nỗi cơn bĩ cực mang tên Cô vít.
Cuộc sống trong những ngày qua là một sự trãi nghiệm cho tất cả chúng ta, giúp chúng ta biết quí trọng sức khỏe, biết nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cộng đồng, biết nghĩ tới cuộc sống của những người xung quanh. Hãy cùng nhau gìn giữ điều đó, để rồi 10 năm, 20 năm nữa chúng ta có những câu chuyện thú vị để kể cho thế hệ con cháu về một kỳ nghĩ tết dài nhất trong lịch sử Việt Nam.
Viết vài dòng để nhớ lại chứ không tôi sợ ít bữa lại quên mất những ngày này thì uổng lắm !!!
Tháng Tư 11, 2020