Biệt thự mang lối kiến trúc Tây Ban Nha độc nhất vô nhị tại Đà Lạt là món quà mà vị vua cuối cùng của Việt Nam mua tặng cho người tình của mình – bà Phi Ánh. Nằm cách Ga Đà Lạt chỉ vài bước chân, biệt thự Phi Ánh được một quan chức […]
Nằm cách Ga Đà Lạt chỉ vài bước chân, biệt thự Phi Ánh được một quan chức người Pháp cho xây dựng vào năm 1928. Theo giới kiến trúc sư, biệt thự Phi Ánh là công trình duy nhất ở Đà Lạt được xây bằng đá theo phong cách kiến trúc vùng Basques, Tây Ban Nha.
Toàn bộ biệt thự được xây dựng bằng đá theo phong cách kiến trúc vùng Basques, Tây Ban Nha. Ảnh: Khánh Hương
Tòa nhà có tông màu nâu xám của đá được tôn lên trên nền trời Đà Lạt suốt gần 100 năm qua. Biệt thự Phi Ánh nổi bật do sự khác biệt với hàng trăm biệt thự mang phong cách Pháp bằng lối thiết kế không theo kiểu đối xứng, mái nhà dốc, đầu mái không vươn dài khỏi tường, không có nhiều trụ cột và cổng vòm.
Được xây dựng trên khu đất rộng hàng nghìn mét vuông, biệt thự có 2 tầng nổi, một tầng hầm, gồm hai khối nhà, nối liền nhau bằng dãy hành lang hình bán nguyệt. Phần tường bên ngoài được xây hoàn toàn bằng đá granite dày 60-80 cm. Xung quanh tường nhà có hàng chục cửa sổ và cửa ra vào được bố trí dày đặc với nhiều kích thước khác nhau. Trong biệt thự có nhiều lò sưởi được thiết kế tinh tế tại từng khu vực riêng biệt.
Điểm độc đáo của biệt thự này so với những dinh thự sang trọng nổi tiếng được người Pháp xây cùng thời tại Đà Lạt như: Dinh I (hay còn gọi là Dinh Bảo Đại, năm 1929), Dinh Nguyễn Hữu Hào (Cung Hoàng hậu Nam Phương, năm 1932), Dinh II (dinh thự mùa hè của toàn quyền Decoux, năm 1933), Dinh III (năm 1933)… đó chính là các bức phù điêu được bố trí khắp nơi. Nếu đi vào từ bên trái biệt thự, người xem sẽ bắt gặp ngay chính diện lối vào bức phù điêu chạm hình người phụ nữ tay cầm nhành lá, chân đeo vòng, đầu đội mũ có 3 ngọn tháp mang đậm chất Hindu.
Bên trong còn có ba bức phù điêu tương tự với tư thế tay và trang phục khác dần được bố trí ở chính diện hành lang nối hai khối nhà và phòng khách. Thêm điểm độc đáo nữa, đó là tám tấm phù điêu vuông vức hai mặt khắc hoa văn hình hoa sen và chim trong sảnh chính gian nhà bên phải. Điều này đưa đến một câu hỏi chưa lời giải đáp đối với nhiều nhà nghiên cứu, rằng trên một tòa nhà mang kiến trúc Tây Ban Nha lại được kết hợp với những nét văn hóa Á Đông? Ý nghĩa của những bức phù điêu là gì? Nhiều người cho rằng chủ nhân khi cho xây tòa nhà này có niềm đam mê và có sự am hiểu nhất định nào đó về văn hóa phương Đông.
Sau gần một thế kỷ tồn tại, đến nay không ai biết chính xác người đã thiết kế ra tòa biệt thự này cũng như chủ nhân ban đầu của nó. Năm 1940, vua Bảo Đại thường lui tới Đà Lạt nghỉ dưỡng. Trong thời gian ở đây ông đã gặp bà Lê Thị Phi Ánh – một tuyệt sắc giai nhân, sinh ra trong gia đình giàu có, danh giá. Hai người sau đó nhanh chóng thành đôi, dù không được tổ chức lễ cưới chính thức nhưng bà Phi Ánh rất được vua Bảo Đại ưu ái. Vua Bảo Đại đã mua lại ngôi biệt thự độc nhất tại Đà Lạt cho người tình, từ đó ngôi biệt thự mang tên Phi Ánh.
Cũng trong thời gian sinh sống tại đây, bà Phi Ánh và vua Bảo Đại có với nhau hai người con chung đó là con gái Nguyễn Phúc Phương Minh (sinh năm 1950) và con trai Nguyễn Phúc Bảo Ân (sinh năm 1951).
Người đàn ông hiện sinh sống ở Đà Lạt cho biết, mẹ ông từng làm phục vụ trong biệt thự Phi Ánh những năm 1950. Khi còn sống mẹ ông thường kể, lúc bà Phi Ánh sinh hạ được hai người con cho vua Bảo Đại (thời điểm đó Bảo Đại đang làm Quốc trưởng), nên được ông hết mực cưng chiều. Ngoài thời gian làm việc tại Dinh I (cách đó 3 km), vua Bảo Đại thường lui tới và dành thời gian ở bên cạnh bà.
Tuy nhiên, những ngày hạnh phúc của bà Phi Ánh không kéo dài khi vua Bảo Đại bị Ngô Đình Diệm phế truất (sau đó Bảo Đại sang Pháp). Căn biệt thự bị tịch thu, gia đình ly tán, bà Phi Ánh phải dẫn các con về Sài Gòn sinh sống và đi bước nữa. Bà Phi Ánh qua đời trong cảnh cô đơn vào cuối năm 1986 tại Sài Gòn mà không được gặp lại cựu hoàng Bảo Đại thêm một lần nào.
Sau 1975, ngôi biệt thự trở thành nhà tập thể cho nhiều hộ dân sinh sống, một thời gian dài sau đó bị bỏ hoang. Theo ông Lê Cảnh Cương, đại diện Công ty TNHH Hoài Nam, năm 2007 công ty tiếp nhận tòa biệt thự và tiến hành tu sửa. Trong lúc cọ rửa bằng nước có axít pha loãng, những người lao động đã phát hiện trên phần tường bên trong có 12 bức phù điêu hai mặt, kích thước mỗi bức từ 40×40 cm – 40×80 cm.
Cùng với những bức phù điêu hoa sen cách điệu, hình chim thú lạ…, phía tường bên trong nhà còn có đến 8 bức phù điêu đặt liền nhau, nhìn thoáng qua giống như hình của những chiếc đồng hồ treo tường, nhưng khi được cọ rửa thì chúng lại hiện lên những hoa văn khá lạ. Nhìn tổng thể, phong cách nghệ thuật trên những bức phù điêu này lại mang dáng dấp hội hoạ Ấn Độ.
Chân dung vua Bảo Đại và “Thứ phi” Phi Ánh khi còn trẻ được treo tại phòng khách biệt thự. Ảnh: Khánh Hương
Hiện nay, tòa biệt thự được khôi phục gần như nguyên trạng. Công ty Phi Mã (Đà Lạt) đã thuê lại căn biệt thự này làm nhà hàng. Ngoài những nét kiến trúc độc đáo có chút gì đó bí ẩn, đơn vị quản lý khu biệt thự còn dành một khoảng không gian để du khách chiêm ngắm chân dung vua Bảo Đại và “Thứ phi” Phi Ánh lúc trẻ.
Ngoài những dinh thự đã được ghi dấu ấn trong lịch sử tại Đà Lạt, vua Bảo Đại cũng từng mua tặng “Thứ phi” Mộng Điệp một tòa biệt thự nằm trên đường Hùng Vương, ngay ở cửa ngõ vào Dinh I (nơi làm việc của vua Bảo Đại). Tuy nhiên, trải qua thời cuộc biệt thự này đã bị dỡ bỏ. |
Tháng Mười Một 11, 2016