Mỗi độ xuân về, phượng tím nở tím trời Đà Lạt, luôn làm ngất ngây người dân và du khách thập phương. Phượng tím có nguồn gốc từ Nam Mỹ, du nhập vào Đà Lạt năm 1962. Kỹ sư Lương Văn Sáu (tốt nghiệp trường Canh nông Versailles – Pháp) là người đầu tiên ở […]
Mỗi độ xuân về, phượng tím nở tím trời Đà Lạt, luôn làm ngất ngây người dân và du khách thập phương.
Phượng tím có nguồn gốc từ Nam Mỹ, du nhập vào Đà Lạt năm 1962. Kỹ sư Lương Văn Sáu (tốt nghiệp trường Canh nông Versailles – Pháp) là người đầu tiên ở Đà Lạt mang hạt về ươm, rồi trồng nhiều cây con 2 bên đường vào chợ, nhưng chỉ sống được một cây (trước khách sạn Golf 3 bây giờ). Cây phượng tím này hàng năm có ra hoa, nhưng không đậu quả.
Lý do là Việt Nam không có loài chim mỏ cong đưa phấn vào đài hoa để thụ phấn. Kỹ sư Lương Văn Sáu lại kỳ công chiết một số cành từ cây phượng tím độc nhất ấy, để trồng bên nhà hàng Thủy Tạ và vườn hoa thành phố, nhưng cũng chỉ có một cây ở Thủy Tạ sống sót, nở hoa.
Năm 1995, Tiến sĩ Hà Ngọc Mai mang hạt phượng tím từ Australia về ươm, được khoảng 3.000 cây “phủ sóng” nhiều đường phố Đà Lạt.
Phượng tím nở tím trời Đà Lạt.
Điều đặc biệt là do số lượng nhiều, trồng sát nhau, được lai chéo nên phượng tím Đà Lạt (thế hệ 9X và cả 6X) đều đậu quả.
Khi quả chín, vỏ khô mới thu hoạch, tách lấy hạt ươm trong bịch nilon, cây con cao khoảng 50 cm sẽ được trồng dưới đất. Cây khỏe mạnh, lớn nhanh, khoảng 5 tuổi thì nở hoa đồng loạt, rất quyến rũ.
“Con đường phượng tím chiều nay đổ/Bóng lá che nghiêng một góc đời” – Nhà thơ Miên Thụy, đã gieo vào lòng người sự hoài niệm thật dễ thương.
Phượng tím luôn làm ngất ngây người dân và du khách thập phương mỗi dịp Tết đến xuân về.
Cùng với muôn loài hoa khác, phượng tím đã góp phần làm nên thương hiệu “Đà Lạt – Thành phố Festival Hoa Việt Nam”.
(Theo Báo Nông Nghiệp)
Tháng Mười Một 13, 2016