Đồi Trà Cầu Đất Đồi trà cầu đất là một địa danh khá quen thuộc với giới trẻ Đà Lạt, cũng như du khách khi đến thăm thành phố ngàn thông Đến Đà Lạt, du khách không chỉ nhìn cảnh đẹp mộng mơ, hoa tươi khoe sắc vào mùa đông, không khí mát dịu của […]
Đến Đà Lạt, du khách không chỉ nhìn cảnh đẹp mộng mơ, hoa tươi khoe sắc vào mùa đông, không khí mát dịu của mùa hè và thưởng thức ly trà ấm áp của mùa thu, mà còn được chứng kiến tận mắt đôi tay thoăn thoắt của các cô gái dân tộc: Cơ Ho, Mạ, Chu Ru… hái những búp trà non tơ cho vào gùi trên đồi trà bạt ngàn ở Đồi Trà Cầu Đất – Xuân Trường- Đà Lạt. Chè Cầu Đất là một trong những đặc sản của du lịch Đà Lạt, được nhiều du khách yêu thích và mua về làm quà.
Trà là cây chủ lực để chế biến xuất khẩu của Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung. Người Pháp đã sớm lập đồn điền canh tác và lập Sở Cầu Đất để chế biến trà từ năm 1927. Lúc đó, nước ngoài biết đến danh trà Cầu Đất và sau này là trà B’ Lao của Bảo Lộc, trà Ô Long trồng trên đất Bảo Lâm.
Những người sành trà sẽ dễ dàng nhận ra đặc trưng của từng loại trà qua hương thơm tự nhiên, vị trà không chát, ngọt dịu mà có hậu… Nhờ vậy, trà Cầu Đất đã từng được xuất khẩu sang các nước: Pháp, Hà Lan, Đức, Đài Loan và các nước Trung Đông.
Sở dĩ trà đen của Đà Lạt được người trong và ngoài nước thích dùng vì trà được trồng trên vùng đất thích hợp ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển với một quy trình sản xuất, chăm sóc và chế biến rất nghiêm ngặt.
Để có hương trà ngọt dịu đặc trưng, trà nguyên liệu trải qua nhiều công đoạn khi chế biến như: vò lá trà, sấy khô nhằm giảm lượng nước, giúp cho trà săn chắc, không cho nấm phát triển, bảo quản được lâu và hương vị còn nguyên chất.
Dưới tán trà cổ thụ Cầu Đất tỏa bóng mát hay bên vườn trà Ô Long xanh rờn, uốn lượn trên đồi cao chạy mút tầm mắt, du khách sẽ có cảm giác thích thú khi nhấm nháp ly trà nóng – một đặc sản nổi tiếng của đất Đà Lạt.
“Chè Cầu Đất cho năng suất không cao, tổng sản lượng hàng năm chỉ đạt khoảng 300 tấn. Trong khi đó, với diện tích tương tự, cây chè trồng ở Bảo Lộc cho năng suất cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi”, ông
Khanh cho biết. Chính vì thế trong thời gian qua, công ty đã từ chối khá nhiều đơn hàng của đối tác nước ngoài ở Pháp, Cộng hòa Séc. Hiện nay 30% sản phẩm chè của Cầu Đất tiêu thụ nội địa, phần còn lại được xuất khẩu thông qua một đối tác trong nước.
Từ diện tích trồng chè của nhà máy Cầu Đất cuối thập niên 1920 là trên 600 héc ta nay chỉ còn 230 héc ta. Về công nghệ chế biến, những chiếc máy vò chè, sàn tơi, sấy, sàn liên hợp… được sản xuất từ thập niên 1930 đến nay vẫn còn hoạt động. Trong tổng số 230 héc ta lại có tới 50 héc ta chè cổ thụ 60-70 tuổi vẫn còn được thu hoạch. Chính vì thế gần đây HĐQT đã đề ra mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm, cây trồng và đầu tư vào mảng du lịch, nghỉ dưỡng.
Khó khăn nhất của công ty hiện nay, theo ông Khanh, chính là sự cạnh tranh. Tất cả chi phí đầu vào đều tăng nhưng giá bán chè lại không thể tăng… Tuy nhiên, không vì thế mà Chè Cầu Đất dậm chân tại chỗ. Trong ba năm qua, Chè Cầu Đất đã trồng thêm 30 héc ta chè Oolong Kim Tuyên giống Đài Loan, trồng cà phê, sản xuất thêm rượu vang Cầu Đất (các nhãn hàng Shiraz, Cadalat và Dran) và đầu tư hệ thống tưới nước, máy móc… với chi phí khoảng 10 tỉ đồng.
Bà Trần Dư Cẩm Ly, Giám đốc Công ty An Lộc Thủy, quận Phú Nhuận, TPHCM, từng có ý định hợp tác với Công ty Chè Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên, để phân phối chè ở phía Nam. Tuy nhiên, qua lời giới thiệu của một người bạn, bà Ly đã đến tham quan Nhà máy chè Cầu Đất.
“Chứng kiến những chiếc máy chế biến trà thuộc loại “xưa nay hiếm” và hàng ngàn gốc trà cổ thụ, đặc biệt được tiếp xúc với những gia đình trải qua 3-4 đời làm việc tại nhà máy, tôi đã quyết định hợp tác với doanh nghiệp này bởi giá trị lịch sử, cảm xúc ở đây mang lại rất lớn”, bà Ly kể.
nguồn tổng hợp
Dacsandalat49.vn
0972 92 52 92
Tháng Bảy 28, 2017