Có thu nhập lại giải quyết nhu cầu đầu ra cho bà con quê mình, cô gái 8X Nguyễn Thị Mến chọn kênh bán hàng online. Gia đình chị Nguyễn Thị Mến (sinh năm 1989) gắn bó với nghề trồng hồng Đà Lạt hơn 15 năm. Tuy nhiên, 8 năm trước, giá hồng Đà Lạt […]
Có thu nhập lại giải quyết nhu cầu đầu ra cho bà con quê mình, cô gái 8X Nguyễn Thị Mến chọn kênh bán hàng online.
Gia đình chị Nguyễn Thị Mến (sinh năm 1989) gắn bó với nghề trồng hồng Đà Lạt hơn 15 năm. Tuy nhiên, 8 năm trước, giá hồng Đà Lạt rớt thê thảm do thương lái Trung Quốc “lật kèo”.
Trước vụ thu hoạch, thương lái đặt hàng với giá 18.000-25.000 đồng một kg, đến vụ họ không thu gom như dự kiến, đợi hồng chất lượng kém mới trở lại. Khi đó, hồng chỉ còn chưa tới 5.000 đồng một kg. Thậm chí, với loại trái nhỏ, không đẹp, thương lái chỉ mua với giá 1.000 đồng một kg.
Chị Nguyễn Thị Mến. |
Chán nản, nông dân lũ lượt chặt bỏ cây hồng để trồng cà phê, hoa ly. Không ít hộ lỗ cả trăm triệu cho vụ hồng. Nhà chị Mến cũng gặp tình trạng tương tự. Bố mẹ thở dài, nghĩ đến giá hồng mà ngao ngán. Không chịu đầu hàng số phận, cô nàng 8x quyết tìm đầu ra cho đặc sản quê nhà. Chị kêu gọi bạn bè trong trường, đăng quảng cáo trên mạng nhờ giúp đỡ. Lần đó, tuy không hỗ trợ được gia đình nhiều nhưng lại mở hướng mới cho sự nghiệp kinh doanh của Mến. Chị suy nghĩ, thương mại điện tử chính là mảnh đất màu mỡ cho nông sản Đà Lạt.
Cô gái quê Đà Lạt bắt đầu mày mò tìm hiểu các gian hàng thương mại điện tử vào năm 2011. Số vốn 30 triệu đồng từ tiền tiết kiệm và vay mượn, chị Mến đầu tư cả vào gian hàng ảo. Nhưng kinh nghiệm non nớt cùng cách quảng bá không hấp dẫn khiến chị phải nhận “trái đắng” ngày đầu khởi nghiệp. Không những mất hết vốn mà bà chủ 8x còn gánh thêm khoản nợ không nhỏ. Sau này, may mắn nhận được sự tư vấn của một số người kinh doanh online thành công đi trước, Mến dần nhận ra cách thức hoạt động của buôn bán trực tuyến.
Năm 2012, cô mua tên miền và thành lập website, đăng tin trên các trang rao vặt, Facebook, từ đó khách hàng biết đến nhiều hơn và doanh số cũng tăng. Chị Mến chia sẻ, thời gian đầu chỉ 1-2 khách hỏi mua, dần dần, nhờ mọi người giới thiệu, khách hàng bắt đầu tăng lên. ”Sản phẩm hồng dẻo sấy thủ công được nhiều người nước ngoài quan tâm. Do đó, nhiều khách Việt chọn đã chọn làm quà biếu và gửi đi khắp thế giới”, chị cho biết.
Theo chị Mến, trái hồng sấy thủ công giữ lượng đường trong quả cao, độ ngọt đậm đà, hương thơm tự nhiên, đặc biệt là mềm và dẻo. Khi sấy không được ướp, tẩm bất cứ một loại hóa chất nào, nguyên chất tuyệt đối nên đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có thể sử dụng trong vòng một năm.
Hồng sấy theo phương pháp truyền thống đem lại cho chị Mến doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. |
So với công nghệ sấy Nhật Bản, phương pháp thủ công cũng lắm gian nan. Sau khi hái hồng về, chị rửa thật sạch, chờ cho ráo nước rồi đem ủ. Khi quả chín kỹ, vị ngọt lịm sẽ gọt vỏ rồi cho vào sấy. Nếu hồng được cắt làm đôi, công đoạn sấy sẽ mất một ngày một đêm. Riêng hồng để nguyên quả phải sấy trong hai ngày, hai đêm. Trong quá trình thực hiện, than phải đạt độ nóng vừa phải, thỉnh thoảng đảo mặt một lần. Sản phẩm được chị chào hàng ra thị trường với mức giá 180.000- 300.000 một kg.
Nói về thành công của việc bán hàng online, chị Mến cho rằng bí quyết nằm ở tâm người kinh doanh. Khách mua trực tuyến thường không tận mắt nhìn, tay sờ sản phẩm vì thế chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Do hướng đi ban đầu chỉ bán đúng hàng Đà Lạt, nói không với hàng Trung Quốc nên giá thành hồng sấy dẻo của chị Mến cao hơn so với hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Chị tin khách đã dùng sẽ tiếp tục ủng hộ và giới thiệu thêm bạn. Chị cũng đã đăng ký thương hiệu riêng; nâng cao tư vấn giúp người tiêu dùng có cái nhìn khách quan, đánh giá đúng nhất về chất lượng sản phẩm.
Những bước kinh doanh trực tuyến chậm rãi, đúng đắn giúp shop trực tuyến của chị Mến thu hút ngày càng đông khách hàng. Song song với mô hình kinh doanh online khá hiệu quả, cô gái quê Đà Lạt quyết định thành lập công ty vào đầu năm. Đến nay, doanh số quý I của công ty đạt gần một tỷ đồng, tăng 200% so với thời điểm chưa thành lập doanh nghiệp. Những tháng Tết cao điểm, đặc sản Đà Lạt mang lại cho chị lợi nhuận trên 300 triệu đồng.
Để mở rộng đầu tư, sắp tới, bà chủ 8x có kế hoạch tham dự một số triển lãm, hội chợ về nông sản tại Việt Nam nhằm quảng bá sản phẩm và đẩy mạnh thu mua hồng của cùng bà con nông dân. ”Hy vọng trong tương lai, trái hồng Đà Lạt sẽ bớt lao đao mỗi khi vào vụ. Trong tương lai, ngoài Đà Lạt, mọi người có thể tìm thấy sản phẩm hồng sấy khô mảnh đất cao nguyên này bất cứ địa điểm nào trên đất nước”, chị Mến kỳ vọng. Ngoài hồng sấy dẻo truyền thống, chị cũng tiếp tục khai khác các đặc sản vùng cao nguyên khác như trà xanh, hoa atiso, sữa ong chúa…
Thành công kinh doanh nhưng chị Mến cho rằng, điều mà mình thu được nhiều nhất chính là uy tín. Chị kể: “Từ khi kinh doanh mặt hàng này, nhiều khách cũng đã trở thành những người bạn thân thiết với tôi. Bất kể điều gì liên quan đến Đà Lạt cũng nhờ tôi tư vấn. Nhiều khi hai bên còn tâm sự những vấn đề trong gia đình, cuộc sống. Điều này có tiền cũng không thể mua được”.
(Theo VNEXPRESS)
Tháng Mười Một 12, 2016